Link đọc phần 1

***

Bình minh và hoàng hôn ở Bagan

Mới năm rưỡi sáng, vừa dừng lại nhìn bản đồ thì một anh người Myamar tầm hơn 30 tuổi, mình tạm gọi là X dừng xe hỏi khẽ khàng “Mày có cần giúp gì không?” – “Tao muốn xem bình minh” – “Vậy thì cứ theo tao”. Ngôi đền nhỏ nằm thấp thoáng sau ngôi đền chính. Lối vào loanh quanh, mò mẫn trong tối. X soi đèn. Dưới sàn những miếng gạch vỡ vụn nằm rải rác. Dấu vết rõ ràng của cơn động đất gần đây. Lên tới đỉnh, cả bạt ngàn mái đền vẫn đang ngủ vùi. Trăng và sao vẫn sáng trên bầu trời màu xanh. Rồi mặt trời đỏ lên lần, ban đầu chỉ như đốm lửa tàn rồi ánh sáng vàng rát cả khoảng không rực rỡ. Ngàn ngôi đền lấp lánh. Cả thành phố như bừng tỉnh, còn mình thì như muốn chết lặng dưới ánh bình minh.

Trời sáng hẳn chỉ sau ba mươi phút đó, X bắt đầu bài ca bán tranh “Tháng này vẫn hiếm khách du lịch, tao là nguồn thu nhập chính nên cả nhà tao đói ăn”. Lúc này ở Myanmar đang là cuối tháng 9. Myanmar có ba mùa. Mùa thu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa thu thích hợp cho du lịch Myanmar hơn cả. Mùa mưa, ở Yangon mưa cả ngày lẫn đêm, còn ở Bangan và Mandalay trời lại rất ít mưa. Từ tháng 11 đến tháng 2, khách du lịch đến Myanmar rất đông vì thời gian này ít mưa, khí hậu ôn hòa. Vào các tháng 5, 7, 9 rất ít khách du lịch đến Myanmar. 

Mình nhìn thẳng vào cái điện thoại Iphone 6 đặt trong túi áo anh. Sáng nào cũng dậy sớm đi lừa con nhà người ta nói dẫn đi xem bình mình xong kể lể mình là nghệ sĩ nghèo, bán một bức tận 13$ thì nghèo được sao. Mình từ chối khéo: “Sinh viên nghèo lắm, tao lấy đâu tiền. Hay mày cho tao thông tin để tao giới thiệu bạn bè tao đứa nào muốn sẽ ghé mua sau”. “Tao có thể theo mày về khách sạn lấy tiền. Mày thấy đấy tao dẫn mày đi cả sáng …”. Ví mang theo người có đúng 3$, móc ra đưa cho X cả. “Thôi mày cầm đi, toàn bộ tiền tao mang theo, coi như công sáng nay mày dẫn tao đi ba cái đền”. X ngập ngừng một chút: “Đúng ra tao không được lấy tiền của mày nhưng…” tay vẫn nhận và đút túi. Lại một lần nữa thấy thất vọng, toàn bị lừa theo kiểu tỏ ra giúp đỡ. Cơ mà nhìn ánh mắt anh cũng thấy thương vì người Myanmar rất lạ. Họ tự dằn vặt mình giữa bản chất hiền hòa thích giúp đỡ và việc cần tiền nuôi thân. Bảo bạn tao thấy dân này có nhiều đứa cứ kì kì, bạn bảo ờ thì người ta lai giữa cái điên điên của Ấn và cái thương người của Thái, hỏi sao không điên. 

Ngoài cái tên Myanmar,  tên gọi khác của đất nước này là Burmar, tên của dân tộc chiếm đa số dân số cả nước. Hơn 80% dân số của Myanmar theo Phật giáo, một số khác theo đạo Cơ Đốc và Hồi Giáo. Quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội Myanmar còn khá nặng nề. Một số chùa chiền linh thiêng cấm phụ nữ không được đến ngần tượng Phật, không được đứng vào khu vực dành cho đàn ông, không được gối đầu lên cánh tay đàn ông, vì như vậy người đàn ông sẽ mất đi sức mạnh, tinh thần. Tập quán Myanmar không chập nhận ôm hôn thể hiện tình cảm nơi công cộng. Việc hất cằm hay dùng chân để ra hiệu bị coi là rất mất lịch sự. Ăn thịt chó là điều tối kỵ và ghê sợ đối với người Myanmar.

Triều đại đầu tiên của Myanmar là triều đại vua Anawrahta vào thế kỉ 11, cuối thể kỉ 13 sau khi bị xâm chiếm bởi quân Mông Cổ khoảng 20 năm, người Miến Điện tái lập lại quyền tự trị cho đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chế độ thuộc địa vào thế kỉ 19, Myamnar đã mất nhiều vùng lãnh thổ vào tay người Anh sau sự thất bại của các cuộc chiến tranh Anh-Miến năm 1825, 1852 và 1885. Trong suốt thế chiến thứ 2, Miến Điện tạm trở thành thuộc địa của Nhật trong suốt 3 năm trước khi được giải phóng bởi quân Đồng Minh năm 1945. Bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 năm 1948, Miến Điện được chính thức công nhận là một quốc gia độc lập. Trong hầu hết thời gian độc lập, Myanmar xảy ra xung đột dân tộc tràn lan, trở thành một trong các cuộc nội chiến kéo dài nhất vẫn đang diễn ra. Năm 2011, chính quyền quân sự chính thức giải tán sau tổng tuyển cử năm 2010, và một chính phủ dân sự trên danh nghĩa nhậm chức. Mặc dù các lãnh đạo quân sự cũ vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn trong nước, song quân đội tiến hành các bước nhằm từ bỏ kiểm soát chính phủ. Điều này cùng với hành động phóng thích Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị, đã cải thiện hồ sơ nhân quyền và quan hệ ngoại giao của Myanmar, kéo theo nới lỏng các chế tài mậu dịch và kinh tế khác. Trong tổng tuyển cử năm 2015, đảng của Aung San Suu Kyi giành đa số tại lưỡng viện quốc hội và bà trở thành người đứng đầu đất nước đến tận giờ.

Dù bản chất hiền hòa và thành thật nhưng một nền chính trị bất ổn, nguồn kinh tế phụ thuộc lớn vào khách du lịch như ở Bagan thì hành động của những người như X là một điều dễ hiểu. Họ đưa khách du lịch vào một tình huống khó xử nhưng nếu bạn kiên quyết nói không, họ cũng sẽ rời đi trong ôn hòa chứ không có lời nói và hành động gây hấn. Mình kể chuyện gặp X cho Carlos, một bạn người Đức mình gặp ở khách sạn và dặn nó cẩn thận. Trưa đó nó kể mình là vừa gặp người tương tự và nó trả lời thẳng “Tao muốn đến cái đền đó nhưng tao không có tiền mua tranh đâu” và bạn đấy vẫn dẫn Carlos đi. “Không như ở Việt Nam của mày, tao bị những người bán hàng rong đeo bám dai dẳng và họ hung dữ khi tao không mua”. 

Trước khi hoàng hôn xuống, Carlos rủ mình đi phượt. Hai đứa phi linh tinh chẳng hiểu sao lạc vào làng xa xôi, dân ở đây không làm du lịch, ai cũng “Hello” và cười hiền lành. Mấy đứa bé tầm 5,6 tuổi chân trần trên cát đuổi đàn dê, lò gạch ngổn ngang, tấm pin năng lượng mặt trời ở dưới đất, bể chứa nước mưa … mọi thứ như một thước phim quay chậm. Thằng Carlos gào lên bảo mình mày ơi đi kiếm quà cho tụi nhỏ. Chạy mòn mắt mới ngó được tiệm tạp hóa bé bé ven đường. Nó còn chưa kịp cất tiếng người ta đã ra đưa cho nó thuốc lá. Nó xua tay không không thấy buồn cười. Mua cả bịch snack cũng chỉ 1 đô mà với mấy đứa trẻ con là niềm vui to oạch. Quay lại cái đường cát, nhiều lần muốn ngã, tay nắm tay ga còn hằn vết đỏ mà mồm hai đứa thì cứ cười toe toét.

Xong rồi hoàng hôn, đi theo Carlos leo lên đền. Vừa tới đỉnh thì cái len máy ảnh của mình tự rơi ra vỡ dù chẳng có va chạm gì. Loay hoay cố lắp lại một hồi, Carlos gõ đầu bảo “Ê, ném mẹ nó đi mày, nhìn hoàng hôn kìa” thấy nó nói chí lí quá. “Ờ, thôi máy ảnh hỏng rồi thì được tận hưởng hoàng hôn trọn vẹn.”. Ánh chiều tà màu đỏ nhuộm rực cả bầu trời cho đến khi những ngôi đền cổ khuất dần trong đêm hòa vào những vì sao lấp lánh.

Sáng sớm hôm sau thì Carlos đi thuyền qua Mandalay sớm, mình thích cách nó cố tình vứt điện thoại ở nhà để nửa tháng sống trọn vẹn.Đêm trước bị lạnh nên trằn trọc, mất ngủ. Vậy mà chẳng hiểu sao đến giờ bình minh, mình lại tự nhiên thức giấc. Ra hè ngồi ngắm những người cũng đang đợi ngắm bình minh. Mấy đôi lai nhau toàn nữ ngồi sau ôm eo lái. Mắc công qua đây chẳng ai nỡ bỏ lỡ bất kỳ cái bình minh hay hoàng hôn nào ở Bagan, dù đôi khi có chút chạnh lòng vì mọi người toàn đi có đôi có cặp trong khi mình chỉ có một mình. Ngấm thêm một chút cái sự thương nhau của người Myanmar khiến sự cô đơn càng thấm đậm.

Những phút cuối trên đường đón hoàng hôn cuối cùng ở Bagan, vừa lái xe vừa ngoái nhìn Amanda, ngôi đền của nhà vua ở phía xa, mình lạc tay lái rồi tự ngã giữa cái đường to đùng và cũng chẳng cần cục đá nào. Lẳng lặng vác cái chân đau về khách sạn tự xức vết thương. Phải bỏ đi nguyên một bộ quần áo. Xe thuê thì xây xước và đứt phanh. Chủ quan để lọ ô xi già ở nhà mà xe đi Inle Lake sắp tới nên chỉ mình chỉ rửa bằng nước rồi mang xe đi thú tội. Chắc đói ăn vài ngày. Dù có thể lẳng lặng trả xe không nói gì và cũng chẳng còn nhiều tiền nhưng nhìn ánh mắt anh chị cho thuê xe rất hiền mình muốn lương tâm thanh thản. Vậy mà chị chỉ cười rồi bảo bỏ đi, không sao cả. Chân đau như này đi bộ được không để anh chở về nhà nghỉ cho. Nằn nì mãi anh chị mới bảo thôi thì lấy em 3000kyat. Đưa tờ 5000 kyat bảo chị cầm cho em vui. Người Myanmar cũng quá tình.

Bác tài đến sớm, mình nhảy xe khách ngồi ngược ngắm hoàng hôn. Ánh chiều tà đỏ rực. Những ngôi đền với tán cây to bị bỏ lại đằng xa. Chạy đua với mặt trời. Còn bao điều bí ẩn đang bỏ dở như khoảng khắc ngắm nhìn cửa sổ từ cái đền xa lạ hay bầu trời sao vào lúc tờ mờ sáng. Mọi thứ đều khiến mình câm lặng. Nhớ hôm leo đền cùng Carlos, đến nơi đã thấy vài đứa khác đã ở đấy tự bao giờ, mình mò hẳn lên cao. Thằng lữ hành nào cũng mang trong mình giấc mơ khám phá, không phải những thứ hoa lệ mà ai cũng biết, mà nó phải là thứ hoang dã tự tìm, độc tôn tận hưởng sự cô đơn. Đến khi trời bắt đầu tối dần chuyển đỏ, quầng mây như bóng những ngôi đền, bọn khác bỏ về, hai đứa lắc đầu khó hiểu ghê đây mới là khoảnh khắc đẹp nhất của hoàng hôn, chạm đến nơi rồi sao dễ dàng bỏ lỡ. Nhưng lại thấy đã ghê, bọn nó về mình thênh thang ngắm mặt trời. Ngẫm rằng hình như mình cũng đã bỏ dở bao nhiêu cái hoàng hôn trong cuộc sống vì những điều vội vã như thế … Xe dừng ở đúng cái đền mình bị ngã. Amanda là cung điện của vua. Âu cũng là duyên.

Mình không chắc sẽ quay lại Bagan nhưng vẫn có chút vương vấn những điều còn bỏ dở. Những ngày thấm sự cô đơn, niềm tin người lạ bị sứt mẻ, máy ảnh tự rơi rồi cái chân đau nhức nhối. Toàn chuyện buồn vậy mà vẫn có một thứ tình thương rất lạ như mình vẫn chẳng thể ngừng thương cái thành phố này dù nó có đối xử tệ thêm với mình đi nữa cũng chẳng sao.

Inle Lake và cái chân đau

Bốn giờ sáng hôm sau mình đã có mặt ở Inle Lake. Vừa mở mắt ra đã bị phụ xe đòi 15000 Kyat tiền vào thành phố. Myanmar, chỗ nào cũng làm tiền. Cái chân đau nhức nhối, giấc ngủ dở dang trên xe lạnh buốt khiến tâm trạng tệ hại theo. Mình ngồi ở cây ATM gần bến xe đợi trời sáng. Xe ôm rồi tuk tuk đua nhau lại mời chào. Lần đầu tiên trong chuyến đi mình trừng mắt với người khác và gào lên dữ tợn “Để tao yên”. Vài nhóm backpacker đi bộ ngang qua mình cũng dửng dưng. Tất cả những gì mình muốn khi đó chỉ là được ở một mình.

Năm giờ, trời hửng sáng hơn, quyết định đứng dậy xách balo đi bộ về khách sạn. Ngang qua một cửa hàng bán tour du lịch thấy có ánh đèn rồi tiếng người í ới, mình lờ đi và bước thẳng. Shway chạy vội ra, tay dắt chiếc xe đạp hối hả. “Đợi chú với, sao cháu đi một mình như thế này, có biết là nguy hiểm lắm không?”. Shway tầm 40 tuổi, mặt chú tròn, dáng đậm người chắc nịch. “Ồ, cháu từ Việt Nam sao. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. “Chú không thích thời đại bây giờ lắm, ngày xưa truyền thống hay hơn, con gái Myanmar giờ nhiều đứa chỉ bám và muốn lấy Tây”. “Cháu thấy chưa, đường rẽ vào khách sạn của cháu, đèn hỏng rồi nên tối lắm. Vậy nên chú mới không yên tâm mà phải chạy theo cháu”.

Shway đưa mình về tận khách sạn. Chú cũng giúp làm thủ tục nhập phòng. Tâm trạng mình có chút dịu lại. “Ở Myanmar, muốn làm hướng dẫn viên thì cháu cần phải tốt nghiệp đại học. Cháu thấy chú đó, tiếng anh của chú tốt đúng không nhưng chú không học đại học nên chỉ có thể làm chui”. “Chú có thể dẫn cháu đi loanh quanh thành phố. Cháu là bạn chú nên cháu có thể không cần trả tiền cho chú cũng được. Nhưng nếu cháu trả tiền thì chú sẽ thấy rất cảm ơn. Chỗ chú ở chính là cái nhà sáng đèn khi cháu đi qua đó. Nhớ gọi cho chú nhé”.

Tự dưng nghe vậy, tiếng cảm ơn chưa kịp phát ra từ họng đã nghẹn ứ lại rồi vuột đi đâu mất. Một nỗi buồn nữa chẳng thấu thành lời. Bạn lễ tân đưa mình thuốc xức rồi nhẹ nhàng hỏi “Bạn không sao chứ?”.  Lắc đầu nhè nhẹ và cười, thôi thì đã mất 15000 kyat tiền vé vào Inle và trả tiền phòng nhà nghỉ rồi tội gì không tận hưởng nơi đây. Mình thuê xe đạp đi loanh quanh rồi bị lạc, hỏi đường thì nhầm Anoi, người Pháp gốc Phi với dân địa phương khi hỏi bác ấy là “Can you speak English? – Bác có nói được tiếng Anh không?”. 

Cha mẹ di cư, sinh ra và lớn lên ở Pháp. “Nhưng mà bác chẳng thể nào hòa nhập được. Có lẽ vì bác theo đạo Hồi. Nên bác tự xách lều treo lên cây, sống ở trên núi tránh xa mọi người. Hè thì nhảy xuống sông bắt cá hoặc lên núi hái nấm. Thi thoảng chán thì về làng sống với gia đình. Nó khá là thi vị”, Anoi kể chuyện cho mình nghe.

  • Đến tầm này, khách du lịch bắt đầu đến làng của bác. Họ ngó vào lều rồi cảnh sát nhảy vào bảo là bác không thể ở đây nữa. Nên bác đi du lịch. Xong rồi lại về nước thôi vì chẳng thể nào đi quá sáu tháng trong năm. Chính phủ sẽ nghĩ bác mưu đồ chuyện gì đó và không cho bác quay lại.
  • “Bác chả cần phải đi những nơi nổi tiếng làm gì. Bác cứ lững thững sống với người dân ở một thành phố  như thế này thôi. Cơ thể bác cảm thấy thoải mái là được”.

Anoi dẫn mình đi vòng quanh thành phố. Bác ấy trả tiền ăn cho mình, nằn nì mãi bác mới cho mời lại bữa trưa hôm sau. Chiều đó mình lên cơn sốt đầu tiên. Dự định đi thuyền quanh hồ ngắm dân chài biểu diễn đánh cá, chợ thủ công rồi thuốc lá. Bao nhiêu điều bỏ lỡ trong cơn sốt miên man. Trán hầm hập và người ướt đẫm mồ hôi. Đầu đau như búa bổ xen lẫn những cơn ác mộng. Bỏ cả ăn tối, tự mình chiến đấu về tinh thần rồi nửa đêm vật vã không chịu được vẫn phải sờ vào thuốc kháng sinh. Đã hơn một năm nay không hề đụng thuốc. Nuốt nhanh với chai nước rồi thả mình nằm vật xuống giường. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn”.

Sáng hôm sau, trong người hạ sốt, mình quay lại chợ chào tạm biệt Anoi. Trước khi chia tay bác lại dúi cả đống hoa quả vào tay mình bắt cầm: “Vì cháu đang ốm”. Bác còn đòi mua tặng cho mình cái váy truyền thống của Myanmar nữa nhưng mình không dám nhận. Xong lúc đợi xe lăn bánh về Yangon, tình cờ nhìn ra cửa sổ thấy Anoi đang ngồi một mình ven hồ. Dáng người đàn ông 50 tuổi khắc khoải, mắt hướng về mặt nước xa xăm, đầu cúi gằm. Chẳng hiểu sao hình ảnh ấy gắn liền với chuyến xe. Nó đậm nỗi buồn man mác và cô đơn ghê gớm. Anoi, cháu cầu nguyện và thực lòng mong bác một đời bình an.

***

Còn tiếp (Phần 3)